Đêm tiệc Michelin của đầu bếp Lý Anh Tú

Đêm tiệc Michelin của đầu bếp Lý Anh Tú

Đêm ẩm thực tối 23/10 được 6 đầu bếp trong Hiệp hội Escoffier danh tiếng đích thân chuẩn bị, dự kiến thu về khoảng 400 triệu đồng để ủng hộ đồng bào miền Trung chịu thiệt hại nặng nề vì thiên tai.

Đây là lần đầu tiên đầu bếp Lý Anh Tú – nhà sáng lập chuỗi nhà hàng 48 Bistro – đứng ra tổ chức một sự kiện gây quỹ từ thiện. Vị doanh nhân khởi nghiệp từ những năm tháng chắt chiu nơi dải đất miền Trung, nay tìm cách dùng tài nấu nướng của mình và những người bạn đầu bếp nổi danh khác để “trả ơn nghĩa cho đời”.

KHI NHỮNG NGƯỜI ĐẦU BẾP LÀM TỪ THIỆN

Từ đầu năm đến nay, nhìn đại dịch tàn phá nền kinh tế, vợ chồng ông Tú gom góp tiền bạc để hỗ trợ cho những người đã giúp đỡ họ trước đây. Rồi tình hình bão lũ ở miền Trung ngày càng nặng nề, ông nghĩ đến việc kêu gọi cộng đồng cùng chung tay.

Thay vì trực tiếp bỏ tiền ra ủng hộ, ông dùng số tiền đó tổ chức đêm ẩm thực, mời 5 đầu bếp nổi tiếng, trong đó có đầu bếp 1 sao Michelin Herve Rodriguez cùng trổ tài. Mỗi đầu bếp đóng góp công sức bằng một món ăn sao cho chỉn chu nhất.

Giá vé tham dự đêm tiệc này là 2 triệu đồng. Tính thêm số tiền bạn bè dự định quyên góp trong bữa tiệc, ông ước tính có thể thu về khoảng 400 triệu đồng để chuyển đến người dân vùng lũ. Chưa kể, ông còn kêu gọi bạn bè và thực khách mang một số sản phẩm đặc biệt đến đấu giá từ thiện.

LAT và Michelin

Bếp trưởng Lý Anh Tú và những người bạn chuẩn bị cho đêm tiệc Michelin.

“Nhiều người hỏi tôi, người dân còn khốn khó vậy, sao lại mở tiệc linh đình. Nhưng tôi không thể bỗng dưng xin người ta 2 triệu đồng làm từ thiện, phải trao lại họ một thứ gì đó có giá trị tương xứng. Mà đầu bếp chúng tôi thì không có gì ngoài món ăn…”, ông Lý Anh Tú chia sẻ.

Để chuẩn bị cho đêm tiệc này, 5 vị đầu bếp bắt đầu nấu nướng từ trưa 21/10, với những nguyên liệu đầu vào được tuyển chọn kỹ lưỡng. Đúng như lời ông Tú tâm sự: “Không thể bán những sản phẩm èo uột để làm từ thiện”.

NGƯỜI ĐẦU BẾP ĐỘC HÀNH, NGƯỜI CHỦ DOANH NGHIÊP LẶNG LẼ

Gặp ông Tú vào chiều 20/10, khi toàn bộ 120 vé đêm tiệc vừa được bán hết. Ông kể về thành công bước đầu này bằng chất giọng hào hứng mà thân tình, mộc mạc. Nhìn ông trong bộ trang phục áo polo, quần jeans và đôi dép lặng lẽ kiểm tra bếp núc, bàn ghế, ít ai ngờ rằng ông chính là chủ nơi đây. Vị doanh nhân này tự gọi mình là người đầu bếp “độc hành”, ưa lặng lẽ làm việc và hỗ trợ cộng sự.

Mỗi ngày, ông thức dậy từ 6h sáng, rồi cứ thế làm việc đến 22h đêm. 14 năm kể từ khi bắt đầu xây dựng nhà hàng 48 Bistro đầu tiên, hầu như ông chưa có ngày nghỉ. “Mệt chứ, nhưng tôi yêu cái nghề nên luôn thấy vui”, ông nói.

Xuất thân từ một hướng dẫn viên du lịch tự do, đột nhiên có cơ hội làm phụ bếp ở một khách sạn 5 sao tại TP.HCM, ông Tú cho rằng nghề đã chọn mình. 4 năm ròng rã vừa học vừa làm, góp nhặt từng đồng lương để tìm mua những cuốn sách dạy nấu ăn từ Pháp về học, Lý Anh Tú trở thành bếp trưởng nhà hàng cao cấp.

LAT và Michelin 2

Bếp trưởng Lý Anh Tú cùng cộng sự trong gian bếp.

Nhưng cũng chính trong những ngày tháng đó, ông thấm thía những vất vả của nghề.

“1 triệu đầu bếp thì may ra có 100 người thành công, có thể sống an nhàn. Đây là cái nghề vừa phải sử dụng trí óc, tâm hồn, vừa phải hoạt động chân tay. Có những người đến khoảng 50-60 tuổi thì không còn sức lực, sự nhanh nhạy, sáng tạo cũng cạn kiệt. Vậy nên ngay từ khi xác định theo nghề này, tôi đã quyết tâm sẽ có một nhà hàng riêng. Nếu thành công thì đến 60 tuổi vẫn còn thu nhập”, ông tâm sự.

Bởi vậy, suốt thời gian làm bếp trưởng tại các khách sạn, resort 4-5 sao ở Hội An, ông Lý Anh Tú vẫn cùng vợ bán bánh canh lề đường. Hai vợ chồng sắm sửa dần dần từng cây dao, cái bát cho nhà hàng đầu tiên. Ông cũng học vi tính, phần mềm, tự mình thiết kế menu, học sửa điện, nước…

Con số 48 trong tên thương hiệu nhắc nhớ về quãng thời gian dài 4 năm 8 tháng bươn chải nơi đất khách quê người để hiện thực hóa ước mơ của đôi vợ chồng trẻ. Từ nhà hàng chưa đầy 60 m2 đầu tiên, nay ông sở hữu hệ thống 4 nhà hàng 48 Bistro và 1 nhà hàng Cô Chín xứ Quảng ở TP.HCM, cùng 1 nhà hàng 48 Bistro ở Mỹ.

Vậy nhưng những thói quen khi xưa vẫn còn đó. “Nhiều hôm tôi từ bếp ra, người lấm lem mồ hôi, dầu mỡ, hai vợ chồng lại chở nhau đi ăn dĩa cơm tấm. Thế mà vui”, ông kể. Đối với người đàn ông 45 tuổi này, con đường phía trước còn rất dài, nên sự tiết kiệm và tích lũy là cần thiết.

SỰ ĐẤU TRANH GIỮA “CÁI TÔI” CỦA ĐẦU BẾP VÀ LỢI NHUẬN CỦA NGƯỜI CHỦ

Là một đầu bếp đi kinh doanh, ông Lý Anh Tú thừa nhận chân phải mình là trọng trách của người chủ doanh nghiệp đối với gia đình của hàng trăm nhân viên, chân trái là “cái tôi” của người đầu bếp luôn mong muốn mang đến những sản phẩm chất lượng nhất. Còn trên vai ông là lợi ích của những khách hàng tin yêu.

“Tiền cũng muốn kiếm mà chất lượng cũng muốn giữ, tôi chỉ biết cách chấp nhận lợi nhuận trên mỗi món ăn thấp hơn chút ít, rồi lấy số lượng khách hàng làm động lực tăng trưởng”, ông nói.

Bên cạnh việc tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu chất lượng, ông Lý Anh Tú cũng cố gắng xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp trong các bữa ăn của người tiêu dùng. Một điều đặc biệt tại 48 Bistro là mỗi món ăn đều được đo lường nhằm đảm bảo cân đối dưỡng chất, để khách “ăn đồ Tây mà không mập”.

“Trước đây bạn bè hỏi, tôi thực sự không biết định danh phong cách ẩm thực của mình là gì. Nhưng mới đây tôi nhận thức được rõ, tôi gọi đó là ‘Indochine Pháp’.

Ngày xưa người Pháp đến Việt Nam sinh sống hàng chục năm trời, làm gì có đồ Tây để ăn. Họ tận dụng nguyên liệu ở Việt Nam, hoặc mang hạt giống sang gieo trồng, rồi từ đó những món ăn này trở thành tuổi thơ của không ít người Việt Nam. Chúng ta lớn lên với bò ragu, bò nấu đậu… theo cách kết hợp tinh hoa Pháp – Việt.

Tôi muốn hồi sinh những món ăn đó, để người Việt lẫn người Pháp đều có thể thưởng thức”, ông Lý Anh Tú chia sẻ.

Bò ribeye 160g

Bít-tết Úc nướng than với sốt tự chọn ở hệ thống 48 BISITRO.

Trong 14 năm qua, có những vị khách đến nhà hàng của ông 3-4 lần/tháng, từ khi mới hẹn hò đến khi có vài đứa con. Lượng khách hàng thân thiết chiếm tỷ trọng 70%. Sự tín nhiệm của khách hàng càng thôi thúc ông lưu giữ hương vị riêng biệt của chuỗi nhà hàng.

Có lẽ vì vậy, ngay khi mở cửa trở lại sau dịch bệnh, chuỗi nhà hàng đã nhanh chóng phục hồi 75% so với thời điểm bình thường.

Đôi khi, như một cách cân bằng vai trò của đầu bếp và người chủ, ông Lý Anh Tú nhờ đến vợ – bà Hạnh Đoàn.

Từ những ngày đầu mới quen, bà đã luôn là người bạn đồng hành, hỗ trợ và ủng hộ ông. Không phải quyết định nào của ông cũng dẫn đến thành công, nhưng bà luôn nhắc nhở ông thất bại là điều cần có trong cuộc đời và kinh doanh.

Song song với công việc bếp núc, chăm sóc con cái, gia đình nội ngoại, bà cũng là người quản lý tài chính cho hệ thống.

“Vợ cho tôi những khoảng riêng để sáng tạo và sống đúng với đam mê nấu nướng của mình. Nhiều khi tôi thấy thương vợ quá”, ông trải lòng.

HAI NĂM NỮA VIỆT NAM SẼ CÓ SAO MICHELIN ĐẦU TIÊN

Ở tuổi 45, người đàn ông này vẫn rất đam mê ẩm thực và mong muốn đi đến tận cùng xem đâu là cái khó nhất của nghề. Dự định chuyển giao cho thế hệ mới khi bước sang tuổi 50, ông coi 5 năm tiếp theo là cơ hội cuối cùng để quyết định những dự án lớn.

“So với các nước châu Á khác, ngành F&B Việt Nam phát triển rất nhanh. Đầu bếp lẫn người kinh doanh ngành này ở Việt Nam đều rất nhanh nhạy. Nếu Thái Lan, Philippines chỉ có đặc sản, thì Việt Nam du nhập đa dạng món ăn từ khắp các vùng miền ở trong lẫn ngoài nước.

LAT và Michelin3

Ngoài nguồn nguyên liệu chất lượng, bếp trưởng Lý Anh Tú cũng cố gắng xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp trong các bữa ăn của người tiêu dùng.

Các thương hiệu F&B lớn cũng liên tục thâm nhập và mở rộng tại đây, bởi rõ ràng dân số trẻ và có khả năng tiếp nhận nhanh. Chắc chắn trong tương lai Việt Nam còn phát triển tốt hơn, và 48 Bistro của tôi cũng sẽ mở rộng hơn nữa”, ông khẳng định.

Hiện tại, ông Tú cũng đang thực hiện một dự án lớn cùng những người bạn đầu bếp trong Hiệp hội Escoffier, dự kiến ra mắt từ đầu năm sau, với hy vọng có thể thay đổi phần nào ngành F&B trong nước.

Ông cũng cho rằng, khoảng 2 năm nữa, Việt Nam sẽ có sao Michelin đầu tiên: “Thái Lan, Nhật Bản, Hong Kong đều đã có nhà hàng Michelin, thì với ẩm thực Việt Nam hiện tại, không lý gì lại không có”.

Để sẵn sàng cho những bước chuyển mạnh mẽ sắp tới, vị đầu bếp – doanh nhân này cho rằng cần tạo môi trường học tập chuyên nghiệp, theo tiêu chuẩn quốc tế cho các đầu bếp Việt.

Ngay tại doanh nghiệp của mình, ông tổ chức lớp dạy cho gần 50 đầu bếp tại bếp trung tâm. Khi nào họ sẵn sàng đứng bếp, tự tin với khả năng cảm nhận món ăn của mình, ông mới điều chuyển họ đến làm việc tại các chi nhánh nhà hàng.

“Có những người đến với tôi khi là giữ xe, thợ hồ. Thậm chí có người trước đây không biết chữ, nhưng hiện là bếp trưởng cho nhà hàng gốc của tôi. Trước đây tôi cũng là hướng dẫn viên du lịch nhảy sang làm đầu bếp, nên tôi muốn mở lòng với những ai có tố chất và ham học hỏi.

Tôi muốn đào tạo sao cho thế hệ này có thể đào tạo lại cho thế hệ kia. Như vậy thì 5 năm nữa khi tôi chuyển giao, tôi mới cảm thấy mình thành công”, nhà sáng lập 48 Bistro trải lòng.

Khi chính thức nhường sân cho thế hệ trẻ, ông Lý Anh Tú mong muốn dành thời gian nghiên cứu sâu hơn về ẩm thực.

Từ trước đến nay, bên cạnh nấu nướng, ông cũng đam mê đọc sách, đặc biệt là những câu chuyện thú vị trong kinh doanh. Đối với ông, mua sách là mua sự trải nghiệm. Có khi chỉ cần bỏ ra 1 triệu đồng để mua 1 cuốn sách, nhưng có thể giúp ông tôi luyện, đúc kết để tránh phải trả giá cho những bài học đáng giá hàng tỷ đồng ngoài đời thực.

Nói về tương lai của cá nhân mình, ông nói: “Tôi nghĩ mình còn trẻ, phải lo học tập để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm”.

BÀI: Lan Anh – ẢNH: Phương Lâm

(Theo Zing)

Xem thêm: https://48bistro.com.vn/doanh-nhan-ly-anh-tu-ngoai-ngu-la-chia-khoa-thanh-cong-trong-nghe.html

Xem thêm món ngon: https://48bistro.com.vn/bo-wagyu-uc-voi-rau-cu-va-sot-tu-chon